Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Orphanet Journal of Rare Diseases gần đây chỉ ra rằng trẻ em bị hội chứng Prader-Willi (PWS) bắt đầu liệu pháp điều trị bằng hoóc-môn sinh trưởng vào năm đầu đời có các chỉ số phát triển tốt hơn.
Người bị PWS thường thấp hơn so với người không mắc hội chứng này, và thường cũng nặng cân hơn. Việc điều trị bằng hoóc-môn sinh trưởng giúp “bình thường hóa” chỉ số cơ thể, cũng như nhận thức và vận động. Tuy nhiên, thời điểm nào để bắt đầu điều trị hóc-môn sinh trưởng vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học Trung Quốc đã theo dõi 96 trẻ được điều trị hoóc-môn sinh trưởng trong những năm đầu đời, với 65 trẻ được điều trị từ sơ sinh và 31 trẻ bắt đầu từ 1-2 tuổi.
Trước khi điều trị hoóc-môn sinh trưởng, cân nặng và chiều cao ở cả hai nhóm đều thấp hơn so với chỉ số trung bình. Sau khi sử dụng hoóc-môn, cân nặng và chiều cao ở cả hai nhóm đều dần dần tiến tới chỉ số thông thường.
Tuy vậy, ở nhóm điều trị từ sơ sinh, các chỉ số đạt tới gần như mức bình thường khi 1 tuổi. Còn nhóm bắt đầu trễ hơn chỉ đạt chỉ số bình thường ở tuổi lên 4. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc điều trị hoóc-môn sinh trưởng sớm giúp đạt được chiều cao bình thường sớm hơn so với điều trị muộn. Điều tương tự cũng diễn ra với cân nặng dù sự khác biệt không lớn bằng.
Tỷ lệ có vấn đề bất thường về cột sống như vẹo cột sống là như nhau ở cả hai nhóm. Các vấn đề an toàn khác cũng tương tự ở cả hai nhóm. Không bệnh nhân nào trong nghiên cứu này bị tiểu đường – là một vấn đề lo ngại khi điều trị hoóc-môn sinh trưởng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cần theo dõi các vấn đề rối loạn tuyến giáp, gan và cột sống, nhưng rủi ro tiêu cực cũng không tăng khi bện nhân PWS được điều trị hoóc-môn sinh trưởng từ sơ sinh.
PWSVietnam lược dịch từ praderwillinews.com